Thống kê là công cụ mạnh nhất để nhận thức xã hội

Bạn không được đào tạo về kinh tế nhưng sếp lại giao tìm kiếm thông tin về số liệu thống kê?

Bạn có vấn đề quan tâm về số liệu nhưng không biết cách thức tiếp cận thông tin mong muốn?

Bạn cần một nguồn thông tin chính thống giữa muôn vàn thông tin trên các sản phẩm báo chí online?

Và bất cứ điều gì bạn cần và mong tìm kiếm từ nguồn thông tin thống kê tại Tổng cục Thống kê, chúng tôi những tư vấn viên thuộc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ thống kê, Tổng cục Thống kê sẽ luôn đồng hành cùng bạn.

Hãy liên hệ với chúng tôi:

Điện thoại: 024.37332997

Email: sdc@gso.gov.vn

Zalo: TTTV VÀ DVTK

Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ thống kê sẽ đồng hành cùng bạn trên chặng đường lắng nghe tiếng nói của số liệu thống kê!

 
Đăng ký ngay
  • Tiếp cận khai thác dữ liệu không gian thống kê kinh tế-xã hội qua bản đồ số

    Bản đồ số là một tập hợp có tổ chức, lưu trữ các dữ liệu bản đồ trên thiết bị có khả năng đọc bằng máy tính và được thể hiện dưới dạng hình ảnh bản đồ. Cơ sở dữ liệu là một tập hợp số liệu được lựa chọn và phân chia bởi người sử dụng, gồm một nhóm các bản ghi và các file số liệu được lưu trữ trong một tổ chức có cấu trúc. Nhờ phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu người ta có thể sử dụng dữ liệu cho các mục đích tính toán, phân tích, tổng hợp, khội phục dữ liệu,… Việc kết hợp giữa cơ sở dữ liệu thông tin thống kê với bản đồ số sẽ hỗ trợ người dùng tiếp cận thông tin các đơn vị hành chính nhỏ nhất nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả.

    Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cung cấp nguồn số liệu tin cậy về quy mô dân số đến cấp xã; cung cấp các thông tin về dân số và nhà ở cùng với các đặc trưng nhân khẩu học của dân cư 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2021, Tổng điều tra Kinh tế cung cấp nguồn số liệu tin cậy về các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nhằm phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

    Việc sử dụng số liệu thống kê về kinh tế xã hội trực quan theo không gian địa lý hiện đang là xu hướng. Phương pháp tiếp cận này sẽ giúp người dùng có thể quan sát được các thông tin được biểu diễn theo các phân lớp bản đồ khác nhau. Người dùng cũng có thể kết xuất số liệu dưới dạng các bảng excel và các biểu đồ, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phân tích chuyên sâu.

    Người dùng có thể tiếp cận thông tin hai cuộc Tổng điều tra mới nhất của Tổng cục Thống kê qua: HỆ THỐNG DỮ LIỆU KHÔNG GIAN THỐNG KÊ VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI

  • Số liệu thu thập và chi tiêu hộ gia đình có thể tìm ở đâu tại Tổng cục Thống kê? Các cấu trúc phân tổ và độ dài thời gian?

    Thu nhập và chi tiêu là hai chỉ tiêu chính trong hệ thống các chỉ tiêu thống kê thuộc lĩnh vực mức sống dân cư. Theo định nghĩa chuẩn từ Tổng cục Thống kê:

    - Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng được tính bằng cách chia tổng thu nhập trong năm của hộ dân cư cho số nhân khẩu của hộ và chia cho 12 tháng. Thu nhập của hộ là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong một thời kỳ nhất định, thường là 1 năm.

    - Chi tiêu bình quân đầu người 1 tháng được tính bằng cách chia tổng chi tiêu trong năm của hộ dân cư cho số nhân khẩu của hộ và chia cho 12 tháng. Chi tiêu của hộ là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật (kể cả các khoản do hộ tự sản xuất) mà hộ dân cư và các thành viên của hộ đã chi vào mục đích tiêu dùng trong một thời kỳ nhất định, thường là 1 năm.

    Tại Tổng cục Thống kê thông tin về thu nhập bình quân đầu người và chi tiêu đầu người được tính toán từ cơ sở dữ liệu điều tra Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam- VHLSS (Trên thực tế khi tìm kiếm có nhiều cách gọi khác nhau theo thời gian do các nhà nghiên cứu đề cập: Bộ dữ liệu Điều tra mức sống hộ gia đình, Bộ dữ liệu Điều tra mức sống dân cư, Bộ dữ liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình, Bộ dữ liệu VHLSS) được tiến hành 2 năm/lần vào các năm chẵn bắt đầu từ năm 2002. Trước đó, các cuộc điều tra vào các năm 1992/1993 và 1997/1998 với sự hỗ trợ của Worldbank là cơ sở đầu tiên xây dựng về phương pháp luận cho các cuộc điều tra sau này.

    Mức độ có thông tin theo các phân tổ của thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người 1 tháng có thể tham khảo trong bảng dưới đây:

    (1) Nguồn thu gồm: Thu từ tiền lương, tiền công; Thu từ nông, lâm nghiệp, thủy sản; Thu phi nông, lâm nghiệp, thủy sản; Các khoản thu khác.

    (2) Khoản chi gồm: Tổng chi tiêu; Chi cho đời sống, hút; Chi ko phải ăn uống, hút; Chi tiêu khác.

    Trong Chi tiêu bình quân đầu người 1 tháng còn có chỉ tiêu Chi cho đời sống phân tổ theo thành thị/nông thôn, giới tính chủ hộ, 5 nhóm thu nhập và vùng kinh tế.

  • Số liệu tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tại Tổng cục thống kê thì có thể tìm ở đâu? Độ dài thời gian có thông tin? Các nhóm phân tổ cho thông tin cần tìm?

    Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh phản ánh triển vọng  người mới sinh có thể sống được bao nhiêu năm nếu như mô hình chết hiện tại được tiếp tục duy trì, đây là một trong những chỉ tiêu thống kê tổng hợp được tính từ bảng sống. Tuổi thọ trung bình được sử dụng rộng rãi trong phân tích dân số, phản ánh mức độ chết của dân số không bị tác động của cơ cấu dân số theo độ tuổi. Song, tuổi thọ trung bình lại chịu ảnh hưởng bởi mức độ chết ở tất cả các độ tuổi, đặc biệt là tuổi sơ sinh và trẻ em. Vì vậy, chỉ tiêu này được sử dụng để so sánh mức độ chết giữa các thời kỳ, giữa các vùng, các nước. Ngoài ra, một công dụng không kém quan trọng của tuổi thọ trung bình là nó thường được sử dụng trong dự báo dân số và là một thành tố để tính chỉ số phát triển con người.

    Số liệu thống kê về tuổi thọ trung bình của người Việt Nam  được tính toán từ kết quả các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, Điều tra dân số giữa kỳ,Điều tra biến động dân số hàng năm. Thông tin thống kê có thể tìm kiếm tại các ấn phẩm thống kê lưu trữ tại thư viện Tổng cục thống kê hoặc Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê.

    Sau khi Việt Nam thống nhất, Tổng điều tra dân số và nhà ở được tiến hành theo chu kỳ10 năm một lần, tới nay đã có các cuộc Tổng điều tra vào các năm 1979, 1989, 2009, 2019, Điều tra dân số giữa kỳ thực hiện vào các năm 2004, 2014, Điều tra biến động dân số tiến hành vào các năm không có Tổng điều tra hoặc Điều tra giữa kỳ bắt đầu từ 2000.

    Tuy nhiên chỉ đến năm Tổng điều tra dân số 1989 chỉ tiêu Tuổi thọ bình quân mới được tính toán và công bố trên phạm vi toàn quốc. Chỉ tiêu được phân tổ theo nam- nữ, vùng kinh tế xã hội từ năm 1989 và 1999,  năm 2009 và từ 2011 đến nay chỉ tiêu Tuổi thọ bình quân được tính toán phân tổ theo theo cả nam- nữ, tỉnh/thành phố trực thuôc trung ương và công bố hàng năm.

  • Thầy giáo giao đề tài nghiên cứu đánh giá quá trình phát triển của diện tích cây trồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm gần nhất theo đơn vị hành chính cấp quận/huyện, anh/chị có thể cho em biết có thể tìm thông tin ở đâu và khả năng tiếp cận thông tin?

    Sau hơn 30 năm dù tỷ lệ khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm trong tổng GDP theo giá thực tế đạt mức 42,07% vào năm 1989 xuống chỉ còn 14,85% trong năm 2020 nhưng đây vẫn là lĩnh vực có dư địa tăng trưởng và được quan tâm phát triển trong những năm gần đây. Nói tới đồng bằng sông Cửu Long là nói tới sự đa dạng về sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, đặc biệt là cây ăn quả để phục vụ hoạt động xuất khẩu.

    Số liệu thống kê thuộc lĩnh vực nông nghiệp tại Tổng cục Thống kê được tổng hợp công bố trong niên giám thống kê hàng năm, kết quả các cuộc điều tra, tổng điều tra. Nhiều chỉ tiêu thống kê lĩnh vực này có độ dài thông tin chi tiết tới cấp tỉnh/thành phố từ năm 1975 tới nay.

    Để tìm thông tin thống kê diện tích cây trồng tới cấp quận/huyện tại Tổng cục Thống kê có 2 nguồn thông tin có thể tham khảo: (1) Tổng diều tra và (2) Niên giám thống kê hàng năm của tỉnh/thành phố. Tổng điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và Thủy sản được tiến hành 5 năm/lần, tới nay đã có các cuộc Tổng điều tra vào các năm 1994, 2001, 2006, 2011, 2016 và mới nhất là Điều tra Nông nghiệp giữa kỳ 2020. Với nguồn thông tin từ Niên giám thống kê tỉnh/thành phố, số liệu diện tích cây trồng theo cấp quận/huyện được cơ quan thống kê tỉnh/thành phố tính toán và công bố hàng năm. Đây là nguồn thông tin quý để đánh giá quá trình phát triển của lĩnh vực trồng trọt tại các địa phương tới cấp quận/huyện.

  • Thông tin thống kê theo ngành sẽ tìm như thế nào?

    Trong hệ thống dữ liệu thống kê hiện nay tại Tổng cục Thống kê một số chỉ tiêu đã được tính toán, công bố theo ngành kinh tế. Ngành là phạm trù chỉ tập hợp các đơn vị, tổ chức theo mục tiêu hoạt động hay cơ cấu sản phẩm nhất định. Việt Nam đã ban hành Hệ thống phân ngành kinh tế (VSIC) có tham khảo phân ngành kinh tế chuẩn của Liên Hợp Quốc. Định kỳ, VSIC sẽ được cập nhật, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

    Số liệu thống kê hiện chỉ tập hợp và đã công bố được thông tin theo các nhóm ngành kinh tế lớn (cấp 1, 2) như GDP, lao động việc làm, chỉ số sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư, doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số thông tin thống kê có thể hỗ trợ tổng hợp thông tin theo các nhóm ngành kinh tế nhỏ hơn (cấp 3, 4, 5) là những thông tin được tổng hợp từ kết quả Tổng điều tra, điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện như doanh nghiệp, vốn đầu tư, cá thể, lao động việc làm, nông lâm nghiệp thủy sản.

    Các thông tin thống kê phân theo ngành kinh tế có thể tìm kiếm tại các sản phẩm đầu ra của ngành Thống kê như sách, đĩa CD kết quả tổng điều tra và điều tra, các chuyên trang kết quả điều tra thống kê online…

  • Áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021? Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% do Quốc hội đặt ra hay không?

    Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

    CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng bình quân 4 tháng thấp nhất kể từ năm 2016, đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa cho chúng ta có thể kiểm soát lạm phát cả năm 2021 đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm.

    CPI sẽ tăng dần là do một số yếu tố chủ yếu như: các tổ chức quốc tế đều đưa ra những dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay do việc tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19 đã và đang được khẩn trương triển khai trên toàn thế giới.
    Ở trong nước, các doanh nghiệp cũng đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại, nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao và tạo áp lực lên lạm phát của cả năm 2021.

    Cùng với đó, giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Hiện nay, giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Giá dầu Brent bình quân 4 tháng đầu năm đạt khoảng 62 USD/thùng, tăng gần 24% so với tháng 12/2020 và tăng trên 49% so với cùng kỳ năm trước.
    Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent bình quân năm 2021 sẽ đạt khoảng 60 USD/thùng, tăng 40% so với năm 2020, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, sẽ tác động làm CPI chung của cả năm tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2020.

    Bên cạnh đó, các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng phục vụ việc phục hồi kinh tế tạo thành yếu tố cầu kéo sẽ đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đều đi lên. Ngoài ra, điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình như dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay.

    Do đó, các ngành, các cấp không nên chủ quan trong kiểm soát lạm phát. Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát vào cuối năm 2021, kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu; chủ động trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đúng thời điểm với liều lượng phù hợp. Mặt khác, liên Bộ Công Thương- Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đến CPI chung.

    Quan sát kinh nghiệm điều hành của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát những năm vừa qua, chúng tôi tin là mục tiêu CPI bình quân khoảng 4% trong năm nay do Quốc hội đề ra là có thể thực hiện được.

  • Phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam hiện nay?

    Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

    Phương pháp tính CPI chúng tôi áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và hiện nay thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của ILO ban hành năm 2020. Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.

    Hàng năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cử chuyên gia đến Việt Nam rà soát và đánh giá nguồn thông tin, phương pháp tính, mặt hàng đại điện và quyền số dùng để tính CPI theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Các tổ chức quốc tế khác như Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều sử dụng số liệu CPI của Tổng cục Thống kê trong các báo cáo và đánh giá phương pháp tính CPI của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

    Các cơ quan Đảng, Nhà nước, các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đều tin tưởng và thường xuyên sử dụng số liệu CPI trong nghiên cứu và trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

    Chỉ số giá tiêu dùng được chúng tôi công bố vào ngày 29 hàng tháng trên website của Tổng cục Thống kê; bao gồm, CPI của cả nước, 6 vùng kinh tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chỉ số giá chung, chỉ số giá 11 nhóm hàng cấp 1 và chia theo khu vực thành thị, nông thôn theo 5 gốc so sánh (năm gốc 2019, cùng kỳ năm trước, tháng 12 năm trước, kỳ trước và chỉ số giá bình quân cùng kỳ).

  • Lý giải về chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2021 lại giảm 0,04% so với tháng 3/2021

    Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

    Theo lịch phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4/2021 tăng 2,7% và bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%. Kết quả này phản ánh sát với biến động giá tiêu dùng trên thị trường.

    CPI hàng tháng được chúng tôi tính dựa trên thông tin thu thập tại khoảng 40.000 điểm điều tra giá từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 752 loại hàng hoá và dịch vụ đại diện tiêu dùng phổ biến của người dân và phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của hộ gia đình hiện nay.

    Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ cấp 1, có 4 nhóm hàng có chỉ số giá tháng 4/2021 giảm so với tháng trước, 6 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ giá ổn định làm cho CPI của tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng 3/2021.
    Xét trong tổng chi tiêu dùng của người dân, 4 nhóm hàng giảm giá chiếm 60,1%, có 6 nhóm hàng tăng giá chiếm 34,2% và nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép có giá không đổi chiếm 5,7%. Do 4 nhóm hàng giảm giá với tỷ trọng lớn đã làm cho chỉ số giá chung giảm so với tháng trước…

    Bên cạnh các nhóm hàng giảm giá, các nhóm hàng tăng giá so với tháng trước đã tác động đến CPI tháng 4/2021 gồm có: nhóm giao thông tăng 0,87% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước khoáng và nước có gas tăng.

    Cùng với đó, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11% do giá các sản phẩm sử dụng nhiều vào dịp hè như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng; nhóm giáo dục tăng 0,03%; trong đó giá văn phòng phẩm tăng 0,23%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%…

  • Áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 và tháng 5/2019 chắc chắn rất lớn vì ngoài 2 đợt nghỉ lễ, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, CPI còn chịu áp lực của việc tăng giá điện và giá xăng dầu?

    (Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê)

    Ngày 20/3/2019, giá điện tăng thêm 8,36%, không tác động đến CPI tháng 3 vì ngành điện chốt chỉ số công tơ của người tiêu dùng vào cuối tháng. Việc tăng giá điện sẽ tác động lên CPI của tháng 4 và tháng 5. Nhưng theo tính toán của chúng tôi, giá điện tăng tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp chỉ làm CPI tăng thêm 0,29%. Tác động trực tiếp là tác động ngay đến các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện, sẽ tác động vào CPI tháng 4, còn tác động gián tiếp là khi giá điện tăng, đầu vào sản xuất tăng, giá thành sản phẩm tăng, làm tăng giá bán sản phẩm, sẽ tác động lên CPI tháng 5.

    Đáng ra, giá bán lẻ xăng dầu đã phải tăng từ ngày 18/3. Tuy nhiên, trước việc tăng giá điện vào ngày 20/3, Tổng cục Thống kê đã kiến nghị tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu vì cả 2 mặt hàng chiến lược này mà cùng tăng trong một thời điểm sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát tháng 3 và quý I/2019, thậm chí có thể gây hoang mang cho người dân.

    Việc tăng giá xăng dầu với mức khá cao trong ngày 2/4 (xăng E5 tăng 1.377 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.484/lít, các mặt hàng dầu tăng 1.086 – 1.219 đồng mỗi lít, kg) không hề bất ngờ, mà đều được tính toán từ trước và nằm trong kịch bản điều hành giá của Chính phủ, với mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát nằm trong mức từ 3,3 – 3,9%.

  • CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

    Câu hỏi 1: Hoạt động thống kê là gì?

    Trả lời:

    Khoản 11 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Hoạt động thống kê là hoạt động xác định nhu cầu thông tin cần thu thập; chuẩn bị thu thập; thu thập; xử lý và tổng hợp; phân tích và dự báo; công bố, phổ biến và lưu trữ thông tin thống kê về hiện tượng nghiên cứu trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể.

    Câu hỏi 2: Hoạt động thống kê nhà nước là gì?

    Trả lời:

    Hoạt động thống kê nhà nước là hoạt động thống kê trong chương trình thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hoặc ủy thác cho tổ chức khác thực hiện.

    Hoạt động thống kê nhà nước gồm:

    1. Hoạt động thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện trong chương trình thống kê;

    2. Hoạt động thống kê do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trong chương trình thống kê;

    3. Hoạt động thống kê do tổ chức được hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ủy thác thực hiện trong chương trình thống kê.

     Câu hỏi 3: Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước là gì?

    Trả lời:

    Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước là hoạt động thống kê do tổ chức, cá nhân thực hiện ngoài chương trình thống kê.

    Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước gồm:

    1. Hoạt động thống kê do tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và nhu cầu hợp pháp, chính đáng của bản thân tổ chức, cá nhân hoặc của tổ chức, cá nhân khác;

    2. Hoạt động thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện ngoài chương trình thống kê;

    3. Hoạt động thống kê do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện ngoài chương trình thống kê.

    Câu hỏi 4: Các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê được quy định như thế nào?

     Trả lời:

      Điều 5 Luật thống kê 2015 quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê như sau:

     1. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê nhà nước gồm:

     a) Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời;

     b) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê;

     c) Thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, không chồng chéo;

     d) Công khai, minh bạch;

     đ) Có tính so sánh.

     2. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước gồm:

     a) Các nguyên tắc quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 5 Luật thống kê;

     b) Tự nguyện, tự chịu trách nhiệm;

     c) Không xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

     3. Nguyên tắc cơ bản của sử dụng dữ liệu và thông tin thống kê gồm:

     a) Trích dẫn nguồn dữ liệu, thông tin thống kê khi sử dụng;

     b) Bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê nhà nước đã được công bố;

     c) Bảo mật dữ liệu, thông tin thống kê theo quy định của pháp luật.

    Câu hỏi 5: Hệ thống tổ chức thống kê nhà nước gồm những cơ quan nào?

     Trả lời:

     Điều 61 Luật thống kê 2015 quy định hệ thống tổ chức thống kê nhà nước bao gồm:

     1. Hệ thống tổ chức thống kê tập trung;

     2. Tổ chức thống kê bộ, ngành.

     Câu hỏi 6: Hệ thống tổ chức thống kê tập trung được quy định như thế nào?

     Trả lời: 

     Điều 62 Luật thống kê 2015 quy định hệ thống tổ chức thống kê tập trung như sau:

     1. Hệ thống tổ chức thống kê tập trung được tổ chức theo ngành dọc gồm cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê địa phương.

     2. Cơ quan thống kê trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

     3. Cơ quan thống kê trung ương là cơ quan thống kê quốc gia, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các tổ chức, cá nhân.

     4. Cơ quan thống kê địa phương gồm cơ quan thống kê cấp tỉnh và cơ quan thống kê cấp huyện.

     5. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống tổ chức thống kê tập trung.

     Câu hỏi 7: Thông tin thống kê là gì?

    Trả lời:

    Khoản 18 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Thông tin thống kê là dữ liệu thống kê được xử lý, tổng hợp và phân tích theo phương pháp, quy trình, chuyên môn, nghiệp vụ thống kê để phản ánh đặc trưng, thuộc tính của hiện tượng nghiên cứu. Thông tin thống kê gồm số liệu thống kê và bản phân tích số liệu đó.

    Câu hỏi 8: Cơ quan thống kê trung ương được phổ biến những thông tin thống kê nhà nước nào?

    Trả lời:

    Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 94 quy định: Cơ quan thống kê trung ương được phổ biến thông tin thống kê thuộc thẩm quyền công bố theo quy định của Luật thống kê, gồm:

    1. Chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;

    2. Kết quả tổng điều tra thống kê được quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 29 Luật thống kê;

    3. Kết quả điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia được phân công thực hiện;

    4. Kết quả điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 30 Luật thống kê;

    5. Niên giám thống kê quốc gia;

    6. Phổ biến một số thông tin thống kê với thời gian cụ thể được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 94.

    Phổ biến rộng rãi theo quy định của Luật thống kê và Nghị định số 94 các thông tin thống kê nhà nước đã được cơ quan nhà nước khác công bố.

    Câu hỏi 9: Cơ quan thống kê cấp tỉnh được phổ biến thông tin thống kê nhà nước nào?

    Trả lời:

    Điều 6 Nghị định số 94 quy định: Cơ quan thống kê cấp tỉnh được phổ biến thông tin thống kê nhà nước thuộc thẩm quyền công bố theo quy định của Luật thống kê, gồm thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và phổ biến rộng rãi các thông tin thống kê nhà nước đã được cơ quan nhà nước khác công bố theo quy định của Luật thống kê và Nghị định số 94.

     Câu hỏi 10: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được phổ biến thông tin thống kê nhà nước nào?

    Trả lời:

    Điều 7 Nghị định số 94 quy định: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được phổ biến các thông tin thống kê thuộc thẩm quyền công bố theo quy định của Luật thống kê, gồm:

    1. Chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành;

    2. Kết quả tổng điều tra thống kê quốc gia quy định tại điểm d khoản 1 Điều 29 Luật thống kê;

    3. Kết quả điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia được phân công thực hiện;

    4. Kết quả điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia quy định tại điểm a khoản 2 Điều 30 Luật thống kê;

    5. Niên giám thống kê ngành, lĩnh vực;

    6. Thông tin thống kê ngành, lĩnh vực khác được phân công phụ trách.

    Phổ biến rộng rãi các thông tin thống kê nhà nước đã được cơ quan nhà nước khác công bố theo quy định của Luật thống kê và Nghị định số 94.

    Câu hỏi 11: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phổ biến thông tin thống kê nhà nước nào?

    Trả lời:

    Điều 8 Nghị định số 94 quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phổ biến các thông tin thống kê thuộc thẩm quyền công bố theo quy định của Luật thống kê, gồm kết quả điều tra do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30 Luật thống kê.

    Phổ biến rộng rãi các thông tin thống kê nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định của Luật thống kê và Nghị định số 94.

    Câu hỏi 12: Sử dụng thông tin thống kê nhà nước được quy định như thế nào?

    Trả lời:

    Điều 56 Luật thống kê 2015 quy định việc sử dụng thông tin thống kê nhà nước như sau:

    1. Cơ quan nhà nước sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã được công bố để đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và thanh tra, kiểm tra, giám sát.

    2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã được công bố để phục vụ hoạt động của mình.

    3. Tổ chức thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu sử dụng hợp pháp thông tin thống kê nhà nước đã được công bố của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    Câu hỏi 13: Chỉ tiêu thống kê là gì?

    Trả lời:

    Khoản 3 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Chỉ tiêu thống kê phản ánh đặc điểm về quy mô, tốc độ phát triển, cơ cấu, trình độ phổ biến, quan hệ tỷ lệ của bộ phận hoặc toàn bộ hiện tượng kinh tế - xã hội trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể. Chỉ tiêu thống kê gồm tên chỉ tiêu và trị số của chỉ tiêu.

    Câu hỏi 14: Hệ thống chỉ tiêu thống kê là gì? Kết cấu của hệ thống chỉ tiêu thống kê?

    Trả lời:

    Khoản 10 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định:

    Hệ thống chỉ tiêu thống kê là tập hợp những chỉ tiêu thống kê phản ánh các đặc điểm của hiện tượng kinh tế - xã hội.

    Hệ thống chỉ tiêu thống kê gồm danh mục và nội dung chỉ tiêu thống kê. Danh mục chỉ tiêu thống kê gồm mã số, nhóm, tên chỉ tiêu. Nội dung chỉ tiêu thống kê gồm khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.

    Câu hỏi 15: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm những chỉ tiêu nào?

    Trả lời:

     Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm:

    1. Các chỉ tiêu thống kê quốc gia do hệ thống tổ chức thống kê tập trung thực hiện;

    2. Các chỉ tiêu thống kê quốc gia do bộ, ngành được phân công thực hiện.

    Câu hỏi 16: Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành bao gồm các chỉ tiêu nào?

    Trả lời:

    Khoản 2 Điều 19 Luật thống kê 2015 quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành gồm:

    1. Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do bộ, ngành đó thực hiện;

    2. Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có liên quan được phân công thực hiện theo yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực.

    3. Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tại đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện cung cấp cho bộ, ngành tổng hợp.

    Câu hỏi 17: Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh gồm những loại chỉ tiêu nào?

    Trả lời:

    Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh gồm:

    1. Những chỉ tiêu thống kê trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia có phân tổ đến cấp tỉnh.

    2. Những chỉ tiêu thống kê phục vụ riêng yêu cầu quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phù hợp với mục tiêu chung mà chưa có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

    Câu hỏi 18: Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện gồm những loại chỉ tiêu nào?

    Trả lời:

    Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện gồm:

    1. Những chỉ tiêu thống kê mà hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh có phân tổ đến cấp huyện.

    2. Những chỉ tiêu thống kê phục vụ riêng yêu cầu quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp huyện phù hợp với mục tiêu chung của cấp tỉnh mà chưa có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh.

    Câu hỏi 19: Dữ liệu thống kê là gì?

    Trả lời:

    Khoản 7 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định:Dữ liệu thống kê gồm dữ liệu định lượng và dữ liệu định tính để hình thành thông tin thống kê về hiện tượng nghiên cứu.

    Câu hỏi 20: Điều tra thống kê là gì? Các loại điều tra thống kê?

    Trả lời:

    1. Khoản 8 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Điều tra thống kê là hình thức thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể theo phương pháp khoa học, thống nhất được xác định trong phương án điều tra thống kê cho mỗi lần điều tra.

    2. Điều 27 Luật thống kê 2015 quy định các loại điều tra thống kê gồm:

    a) Tổng điều tra thống kê quốc gia và điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia.

    b) Điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia.

    Câu hỏi 21: Thẩm quyền quyết định điều tra thống kê được quy định như thế nào?

    Trả lời:

    Thẩm quyền quyết định điều tra thống kê được quy định trong Luật thống kê 2015 như sau:

    1. Thủ tướng Chính phủ quyết định tiến hành tổng điều tra thống kê quốc gia.

    2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định tiến hành điều tra thống kê được phân công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

    3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định chương trình và tổ chức thực hiện điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia:

    a) Điều tra thống kê đột xuất khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp đột xuất khác;

    b) Điều tra thống kê nhằm thu thập thông tin về các chỉ tiêu thống kê phục vụ yêu cầu quản lý của bộ, ngành thuộc lĩnh vực phụ trách, nhưng không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

    4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các cuộc điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê nhằm thu thập thông tin có tính chất đặc thù phục vụ yêu cầu quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Câu hỏi 22: Phương án điều tra thống kê bao gồm những nội dung gì?

    Trả lời:

    Khoản 2 Điều 31 Luật thống kê 2015 quy định phương án điều tra thống kê gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

    1. Mục đích, yêu cầu điều tra;

    2. Phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra;

    3. Loại điều tra;

    4. Thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra;

    5. Nội dung, phiếu điều tra;

    6. Phân loại thống kê sử dụng trong điều tra;

    7. Quy trình xử lý và biểu đầu ra của điều tra;

    8. Kế hoạch tiến hành điều tra;

    9. Tổ chức điều tra;

    10. Kinh phí và các điều kiện vật chất cho điều tra.

    Câu hỏi 23: Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có quyền và nghĩa vụ gì?

    Trả lời:

    Điều 33 Luật thống kê 2015 quy định tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có quyền và nghĩa vụ như sau:

    1. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các quyền:

    a) Được thông báo về quyết định, mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung chủ yếu và thời hạn của cuộc điều tra;

    b) Được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp cho điều tra viên thống kê theo quy định tại Điều 57 Luật thống kê;

    c) Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về điều tra thống kê.

    2. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các nghĩa vụ:

    a) Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê hoặc cơ quan tiến hành điều tra thống kê;

    b) Không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê;

    c) Chịu sự kiểm tra của cơ quan tiến hành điều tra thống kê và thanh tra chuyên ngành thống kê về thông tin đã cung cấp.

    Câu hỏi 24: Trách nhiệm của cơ quan tiến hành điều tra thống kê được quy định như thế nào?

    Trả lời:

    Điều 35 Luật thống kê 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành điều tra thống kê như sau:

    1. Xây dựng phương án điều tra thống kê.

    2. Chỉ đạo, tổ chức, giám sát và kiểm tra việc thực hiện phương án điều tra thống kê.

    3. Kiểm tra việc cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê.

    4. Tổng hợp, phân tích, công bố kết quả điều tra thống kê.

    5. Giữ bí mật thông tin thống kê thu thập được.

    6. Việc báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê tập trung được thực hiện như sau:

    a) Cơ quan thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 30 Luật thống kê có trách nhiệm báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thống kê trung ương;

    b) Cơ quan thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 Luật thống kê có trách nhiệm báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thống kê cấp tỉnh.

    Câu hỏi 25: Điều tra viên thống kê là ai? Quyền và nghĩa vụ của điều tra viên thống kê?

    Trả lời:

    1. Khoản 9 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Điều tra viên thống kê là người được cơ quan, tổ chức tiến hành điều tra thống kê trưng tập, huy động để thực hiện việc thu thập thông tin của cuộc điều tra thống kê.

    2. Điều 34 Luật thống kê 2015 quy định điều tra viên thống kê có quyền và nghĩa vụ sau:

    2.1. Điều tra viên thống kê có các quyền:

    a) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin theo phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê;

    b) Được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra thống kê, được trang bị phương tiện phục vụ công việc thu thập thông tin và được trả công;

    c) Yêu cầu đối tượng điều tra thống kê cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê.

    2.2. Điều tra viên thống kê có các nghĩa vụ:

    a) Thực hiện thu thập thông tin theo đúng phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê;

    b) Giữ bí mật thông tin thu thập từ tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê;

    c) Giao nộp tài liệu, phiếu điều tra theo hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê.

    Câu hỏi 26: Báo cáo thống kê là gì?

    Trả lời:

    Khoản 1 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Báo cáo thống kêlà mẫu biểu và hướng dẫn ghi chép mẫu biểu để thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể theo phương pháp khoa học, thống nhất được quy định trong chế độ báo cáo thống kê trong một thời kỳ nhất định.

    Câu hỏi 27: Chế độ báo cáo thống kê là gì? Chế độ báo cáo thống kê gồm những loại nào?

    Trả lời:

    1. Khoản 2 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Chế độ báo cáo thống kê là những quy định và hướng dẫn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về việc thực hiện một tập hợp những báo cáo thống kê có liên quan với nhau để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc một hệ thống chỉ tiêu thống kê và tổng hợp thông tin thống kê khác phục vụ quản lý nhà nước.

    2. Khoản 1 Điều 40 Luật thống kê 2015 quy định chế độ báo cáo thống kê gồm:

    a) Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;

    b) Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành.

    Câu hỏi 28: Thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo thống kê?

    Trả lời:

    1. Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia: Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

    2. Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành:

    a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành;

    b) Cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành áp dụng đối với lĩnh vực được phân công phụ trách.

    Câu hỏi 29: Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê?

    Trả lời:

    Điều 44 Luật thống kê 2015 quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê như sau:

    1. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê có các quyền sau đây:

    a) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu thập, tổng hợp thông tin;

    b) Được hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện chế độ báo cáo thống kê;

    c) Được cung cấp, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan để tổng hợp số liệu thống kê;

    d) Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm quy định về chế độ báo cáo thống kê.

    2. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê có các nghĩa vụ sau đây:

    a) Thu thập, tổng hợp, lập và nộp báo cáo theo quy định của chế độ báo cáo thống kê và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin thống kê;

    b) Bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chế độ báo cáo thống kê;

    c) Không được từ chối hoặc cản trở việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê;

    d) Chịu sự kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan nhận báo cáo;

    đ) Chịu sự kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê của thanh tra chuyên ngành thống kê.

    Câu hỏi 30: Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào là đối tượng cung cấp thông tin thống kê?

    Trả lời:

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin thống kê gồm:

    1. Cơ quan nhà nước;

    2. Đơn vị sự nghiệp;

    3. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp;

    4. Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;

    5. Tổ chức và cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật;

    6. Hộ dân cư và cá nhân;

    7. Tổ chức khác của Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài;

    8. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

    Câu hỏi 31: Có những hình thức chủ yếu nào để thu thập thông tin thống kê nhà nước?

    Trả lời:

    Luật thống kê 2015 quy định có ba hình thức chủ yếu để thu thập thông tin thống kê:

    - Điều tra thống kê;

    - Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước;

    - Chế độ báo cáo thống kê.

    Câu hỏi 32: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê được thể hiện như thế nào?

    Trả lời:

    Điều 10 Luật thống kê 2015 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê như sau:

    1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê nhà nước và sử dụng thông tin thống kê nhà nước gồm:

    a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và từ dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

    b) Khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê;

    c) Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê;

    d) Thực hiện sai các quy định trong phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê; tự sửa đổi thông tin khi thực hiện điều tra, báo cáo thống kê và cung cấp thông tin từ dữ liệu hành chính;

    đ) Báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác;

    e) Tiết lộ thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê khi chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;

    g) Quyết định điều tra thống kê, ban hành chế độ báo cáo thống kê trái quy định của pháp luật về thống kê.

    2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước gồm:

    a) Các hành vi quy định tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều 10 Luật thống kê;

    b) Thu thập, phổ biến thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

  • Căn cứ nào Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo giá dầu thô tăng 80 USD, trong điều kiện đang giảm sản lượng khai thác?

    (Bà Đỗ Thị Ngọc – Vụ trưởng vụ Thống kê giá, TCTK) Giá dầu thô hiện đã tăng lên mức gần 67 USD/thùng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia nhận định dầu thô có thể tăng 70 – 80 USD/thùng trong thời gian tới. Mặt khác, Hiệp hội các nhà dầu mỏ thế giới cam kết giảm sản lượng, hỗ trợ cho giá, dự báo của Cục năng lượng thế giới, giá dầu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, 70 – 80 USD/thùng.

    Bà Ngọc cũng cho biết, FED tăng lãi suất cơ bản, chính sách của Tổng thống Mỹ thì rất có thể lãi suất còn tăng trong năm nay. Với điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là rất linh hoạt, kiên định kiểm soát lạm phát. Chỉ số không chỉ phụ thuộc vào USD mà còn là rõ 8 đồng tiền mạnh nhất. Do đó, FED tăng tới 4 lần lãi suất thì sẽ có ảnh hưởng nhưng không nhiều tới Việt Nam.

Nếu cần tư vấn về lĩnh vực gì. Xin mời điền thông tin vào khung bên dưới. Hoặc gọi điện đến số điện thoại (trong giờ hành chính) của Tư vấn viên để được hỗ trợ trực tiếp.

Đăng ký tư vấn

Gửi đi
wait image